Chế độ hậu kiểm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ (Giấy phép an ninh trật tự)
I. Tính cấp thiết của vấn đề:
Kể từ ngày được cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm thực hiện chế độ hậu kiểm đối với cơ sở kinh doanh này theo các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 46 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP.
Nếu chưa đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo vệ thì sẽ bị yêu cầu tạm ngừng kinh doanh bằng văn bản của cơ quan công an, hoặc nặng hơn có thể bị tước giấy phép.
II. Trình tự thực hiện hậu kiểm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ:
1. Cơ quan thực hiện: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội
2. Thời gian thực hiện: Khoảng từ 20 đến 30 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện an ninh trật tự đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
3. Trình tự thực hiện:
Bước 1: Cơ quan công an Thông báo bằng văn bản gửi cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ nêu rõ nội dung hậu kiểm và thời gian thực hiện công tác hậu kiểm.
Bước 2: Cơ quan công an kiểm tra cơ sở xin giấy phép an ninh trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ với nội dung sau:
a) Kiểm tra về điều kiện đối với người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ (chỉ áp dụng đối với trường hợp có nghi vấn) bằng hình thức xác minh lý lịch theo mẫu ĐK4a hoặc mẫu ĐK4b ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BCA đối với người Việt Nam ở trong nước hoặc người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài;
b) Kiểm tra trực tiếp các điều kiện về an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
Bước 3: Cơ quan công an lập biên bản theo mẫu ĐK5b ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BCA.
III. Chuẩn bị tài liệu, cơ sở vật chất phục vụ hậu kiểm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ:
Để đảm bảo hậu kiểm diễn ra thuận lợi, doanh nghiệp không bị rủi ro thì cần chuẩn bị tài liệu, cơ sở vật chất đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo vệ, cụ thể như sau:
1. Tài liệu chứng minh cơ sở vật chất và trang thiết bị chuẩn bị tại trụ sở:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bản sao hợp lệ;
– Hợp đồng thuê nhà, đất;
– Có đầy đủ trang thiết bị : bàn ghế, máy tính,điện thoại, fax… và các tài liệu có liên quan.
– Có đầy đủ trang thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định;
– Xây dựng phương án PCCC và thoát nạn, cứu người ( công an PCCC phê duyệt); có nội quy PCCC và có danh sách đội PCCC.
2. Tài liệu về người chịu trách nhiệm an ninh cơ sở:
– Giấy tờ pháp lý bản gốc và bản sao y của người chịu trách nhiệm ANTT của công ty.
– Phiếu lý lịch tư pháp của người chịu trách nhiệm ANTT của công ty (phiếu số 2).
– Bản khai lý lịch ( có dán ảnh và có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú);
– Bản sao bằng cấp, chứng chỉ hợp lệ.
3. Tài liệu chứng minh năng lực kinh doanh dịch vụ bảo vệ:
– Danh sách nhân viên theo mẫu;
– Hợp đồng lao động.
– Bằng cấp của nhân viên (Tốt nghiệp trung học cơ sở ‘cấp 2’ trở lên);
– Có chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ;
– Giấy khám sức khoẻ;
– Lý lịch tự khai có dấu xác nhận của địa phương;
– Xác nhận không có tiền án, tiền sự của UBND xã, phường.
‘Mỗi nhân viên chuẩn bị một bộ hồ sơ như trên, trừ danh sách dân viên theo mẫu’.
4. Đồng phục và phù hiệu:
– Đồng phục bảo vệ, thống nhất về kiểu dáng thiết kế, cụ thể bao gồm:
Quần, áo
a) Quần, áo xuân hè
– Quần màu xanh đen, kiểu âu phục; thân trước có xếp 02 ly; thân sau phía trên có 01 túi mổ bên phải;
– Áo sơ mi màu xanh da trời hoặc màu trắng, ngắn tay hoặc dài tay, cổ bẻ, thân trước có hai túi may ốp ngoài và có nẹp viền nổi ở giữa túi; nẹp áo bong; 02 vạt áo có nẹp nổi chạy dọc ở giữa, cổ tay nẹp bong, thân sau có đố ngang vai; tay áo bên trái có gắn logo của doanh nghiệp cách mép cầu vai từ 05cm đến 06cm; trước ngực áo bên trái có gắn logo của doanh nghiệp, cách miệng túi áo từ 02cm đến 03cm.
(Logo của doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan Công an có thẩm quyền)
b) Quần, áo thu đông
– Quần như quần xuân hè;
– Áo ngoài kiểu veston dài tay, cùng màu quần, thân trước có túi may ốp ngoài, trước ngực áo bên trái có gắn logo của doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan Công an có thẩm quyền, cách miệng túi áo từ 02cm đến 03cm, tay áo bên trái có gắn logo cách mép cầu vai từ 05cm đến 06cm, cúc áo bằng nhựa màu đen; bên trong có áo sơ mi dài tay như trang phục mùa hè, cổ đứng, có thắt cà vạt màu xanh đen.
Giầy, mũ
a) Giầy da màu đen;
b) Mũ mềm, có lưỡi trai, màu cùng màu quần;
Cầu vai, phù hiệu, biển hiệu
a) Cầu vai
Chất liệu vải cứng, cùng màu quần, có vạch ngang bằng nỉ màu vàng, hai cạnh dọc cầu vai có viền lé màu đỏ; đầu nhỏ cầu vai có gắn cúc bằng kim loại màu trắng bạc (có hình nổi ngôi sao năm cánh và 02 bông lúa bắt chéo ôm lấy hình ngôi sao). Kích thước cầu vai và gạch ngang trên cầu vai được quy định như sau:
– Kích thước cầu vai: Chiều dài cầu vai là 125mm; chiều ngang: phần đầu lớn là 50mm, phần đầu nhọn là 40mm;
– Vạch ngang: Chất liệu vải, màu vàng nhạt; chiều rộng một vạch là 07mm, các vạch cách nhau 2,5mm. Cầu vai của nhân viên bảo vệ có 01 vạch, chỉ huy cấp đội có 02 vạch, chỉ huy cấp phòng có 03 vạch, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó giám đốc doanh nghiệp có 04 vạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc doanh nghiệp có 05 vạch.
b) Phù hiệu
– Phù hiệu gắn trên mũ: Bằng chất liệu kim loại hình tròn, đường kính 36mm, ở giữa có ngôi sao 05 cánh màu vàng nổi trên nền đỏ, liền với nền đỏ là nền xanh thẫm, có cành tùng kép bao quanh ngôi sao. Phía dưới ngôi sao có nửa vành bánh xe răng cưa và có chữ: “BẢO VỆ”;
– Phù hiệu gắn trên ve áo (sử dụng cho lãnh đạo doanh nghiệp): Hình bình hành; kích thước 5,5cm x 3,5cm; chất liệu bằng vải có màu sắc cùng màu với màu quần quy định tại Điều này.
c) Biển hiệu nhân viên bảo vệ:
Kích thước 8,5cm x 5,5cm, nền màu xanh nhạt. Dòng trên cùng ghi tên doanh nghiệp (kiểu chữ in hoa màu đỏ), phía dưới ghi họ, tên của nhân viên bảo vệ (kiểu chữ in hoa màu đen) và có ảnh của người được cấp biển; dưới cùng là số biển.
‘Đồng phục và huy hiệu công ty tự chuẩn bị nhưng phải đảm bảo các yếu tố: Mẫu mã đồng phục thông dụng, thiết kế không vi phạm bản quyền, nhãn hiệu, không vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam,… Và đồng phục thường kèm theo các phụ kiện như: Cầu vai, ve áo, mũ, cà-vạt, thắt lưng, gậy bảo vệ,…’
5. Tài liệu khác:
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho cơ sở kinh doanh (Bản gốc).
IV. Trường hợp không đủ điều kiện:
Trường hợp phát hiện cơ sở kinh doanh không đáp ứng một trong các điều kiện về an ninh, trật tự thì xử lý như sau:
a. Thông báo bằng văn bản yêu cầu cơ sở kinh doanh tạm ngừng hoạt động kinh doanh ngành, nghề hoặc công đoạn của quá trình đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 200 Luật doanh nghiệp năm 2014. Đồng thời, yêu cầu cơ sở kinh doanh khắc phục vi phạm về điều kiện an ninh, trật tự trong thời hạn 40 ngày theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP;
b. Trường hợp cơ sở kinh doanh có văn bản báo cáo đã khắc phục xong vi phạm điều kiện về an ninh, trật tự thì cơ quan Công an có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì ghi cụ thể vào biên bản theo mẫu ĐK5b ban hành kèm theo Thông tư này để cơ sở kinh doanh tiếp tục hoạt động ngành, nghề hoặc công đoạn của quá trình đầu tư đã phải tạm ngừng kinh doanh trước đó;
c. Trường hợp trong thời hạn quy định tại điểm a khoản này, cơ sở kinh doanh không khắc phục được vi phạm điều kiện về an ninh, trật tự thì cơ quan Công an có thẩm quyền ra quyết định thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề hoặc công đoạn của quá trình đầu tư mà cơ sở kinh doanh đã phải tạm ngừng hoạt động trước đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP.
V. Các hành vi vi phạm và mức phạt hành chính khi cơ quan tiến hành kiểm tra:
Các hành vi vi phạm và mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự được quy định tại 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021, cụ thể như sau:
1. Hành vi vi phạm:
Quá 05 ngày kể từ ngày hoạt động kinh doanh mà không có văn bản thông báo kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự gửi Công an xã, phường, thị trấn nơi cơ sở hoạt động kinh doanh;
Quá 05 ngày kể từ ngày triển khai mục tiêu bảo vệ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ngoài phạm vi cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ đặt trụ sở mà cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ không có văn bản thông báo kèm theo các tài liệu có liên quan gửi Công an xã, phường, thị trấn nơi triển khai mục tiêu bảo vệ;
Không trang bị hoặc trang bị không đúng trang phục, biển hiệu cho nhân viên dịch vụ bảo vệ theo quy định của pháp luật;
Sử dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ chưa được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ.
2. Mức phạt vi phạm hành chính:
Đối với điểm a và b ở trên thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm c, e khoản 1, điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Đối với điểm c, d ở trên thì phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại điểm c, e khoản 1, điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
VI. Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 96/2016/NĐ-CP;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
– Thông tư 42/2017/TT-BCA;
– Các văn bản liên quan khác.
Tại sao bạn nên chọn dịch vụ cấp phép an ninh trật tự cho cơ sở bảo vệ tại Enterlaw:
– Giá dịch vụ cam kết rẻ;
– Đội ngũ tư vấn có trình độ cao, kinh nghiệm dày dạn;
– Thời gian giải quyết nhanh chóng, đúng quy định pháp luật;
– Dịch vụ hỗ trợ sau đa dạng, lâu dài.
Khách hàng có nhu cầu đăng ký cấp phép thuộc những ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể liên hệ ngay cho enterlaw.vn . Với nhiều năm kinh nghiệm hành nghề, chúng tôi xin tự giới nhiều những dịch vụ đăng ký cấp phép tiêu biểu như: Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, Giấy phép phòng cháy chữa cháy, Giấy phép lao động, Giấy phép lữ hành nội địa, Giấy phép lữ hành quốc tế,… liên hệ ngay với Enterlaw.vn để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ với giá cả tốt, thời gian thực hiện nhanh chóng, chính xác.
Trân trọng.
Trang chủ | Thành lập doanh nghiệp | Giấy phép con | Tư vấn đầu tư | Dịch vụ của Enterlaw