Tìm hiểu về Tư cách pháp nhân của doanh nghiệp
Nhà nước đang ngày càng tập trung đẩy mạnh, hỗ trợ các doanh nghiệp. Với mục đích đơn giản và ổn định hoá đời sống pháp lý, tư cách pháp nhân trao cho các tổ chức khả năng trở thành một chủ thể độc lập trong các quan hệ pháp luật. Theo Bộ Luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp Việt Nam hiện hành, quy định tư cách pháp nhân cho doanh nghiệp góp phần đảm bảo quyền lợi cũng như tính ổn định của nền kinh tế và các nhà đầu tư kinh doanh.
Tư cách pháp nhân không chỉ là tư cách pháp lý của một tổ chức, doanh nghiệp mà nó còn ảnh hưởng đến việc bạn lựa chọn hình thức doanh nghiệp nào để thành lập. Tư cách pháp nhân thể hiện chế độ chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân và doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân.
Cùng enterlaw.vn tìm hiểu chi tiết về tư cách pháp nhân cũng như điều kiện áp dụng và tư cách pháp nhân của các loại hình doanh nghiệp
Tư cách pháp nhân là gì?
Tư cách pháp nhân là tư cách pháp lý được Nhà nước công nhận cho một tổ chức ( nhóm người) có khả năng tồn tại, hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ở đây cần xác định rõ pháp nhân là một chủ thể của các quan hệ pháp luật dân sự, vì vậy pháp nhân có tư cách chủ thể độc lập để tham gia các hoạt động pháp lý về chính trị, kinh tế, xã hội,…
Điều kiện để tổ chức được công nhận là pháp nhân
Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan;
– Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
+ Pháp nhân phải có cơ quan điều hành.
Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
+ Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Tư cách pháp nhân của các loại hình doanh nghiệp
Theo Luật Doanh nghiệp 2020 quy định 05 loại hình doanh nghiệp, bao gồm:
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
– Công ty hợp doanh;
– Công ty cổ phần;
– Doanh nghiệp tư nhân.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
(Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020)
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân.
Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020.
Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 Luật Doanh nghiệp 2020.
(Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020)
Công ty cổ phần
Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
– Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
– Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020.
(Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020)
Công ty hợp danh
Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
– Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
– Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
– Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
(Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020)
Doanh nghiệp tư nhân
– Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
– Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
– Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
(Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020)
Như vậy, trong các loại hình doanh nghiệp thì 04 loại hình (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, công ty cổ phần) đều thuộc loại hình có tư cách pháp nhân. Còn đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân thì là loại hình duy nhất không có tư cách pháp nhân.
Tư cách pháp nhân của doanh nghiệp là hình thức mà bất cứ chủ doanh nghiệp nào cũng nên tìm hiểu kỹ, từ đó lựa chọn cho mình hình thức đăng ký doanh nghiệp phù hợp nhất.